Nam sinh hùng biện về việc học hết lớp 9 là đủ

Sự trăn trở của kẻ lười biếng- clip luận bàn về những bất cập của nền giáo dục Việt Nam đang gây “bùng nổ” tranh luận cho cư dân mạng. Xuất hiện từ ngày 13/4, video của bạn trai tự nhận mình là học sinh lớp 12 này đã thu hút được hơn 130.000 lượt xem với gần 5000 like (chỉ tính trên Youtube). Rất đông các website khác đã đồng loạt share lại clip khiến số lượng kết quả tìm kiếm cho cụm từ “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” lên tới gần 80 nghìn.
"Kẻ lười biếng" hùng hồn hùng biện cho quan điểm về sự bất cấp trong giáo dục của mình. Ảnh chụp màn hình.
Vì sao video của một “kẻ lười biếng” lại có sức mạnh gây chấn động cộng đồng đến thế? Câu trả lời là, nó đã thể hiện rất thẳng thắn quan điểm trái chiều của một nam sinh lớp 12 về nền giáo dục nước nhà. Trong đó, học sinh này cho rằng, giáo dục Việt Nam hiện nay đang mắc nhiều bệnh nhức nhối như: thừa kiến thức, bệnh thành tích, cách dạy lạc hậu… gây tâm lí đối phó, thụ động cho học sinh. Tất cả những quan điểm đó được chàng điển phân tích, lập luận rất sắc sảo, logic, với giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể đầy hùng hồn, mạnh mẽ.
Thừa nhận rằng tất cả những kiến thức chúng ta phải học đều là kiến thức ta nên biết và nếu chối bỏ có nghĩa là ta đã tự tay bóp chết tương lai nhân loại. Tuy nhiên, nam sinh này cho rằng, với mỗi con người khác nhau, mức đồ cần thiết của các kiến thức đó cũng khác. “Con người ta sinh ra là khác nhau, tại sao tất cả lại phải phát triển theo cùng một hướng giống nhau?”, cậu học trò hùng hồn đặt câu hỏi.
Nam sinh này mạnh bạo khẳng định rằng, có quá nhiều kiến thức không cơ bản đang được giảng dạy trong nhà trường. Táo bạo hơn, cậu bạn còn lớn giọng phát biểu quan điểm cá nhân: Học đến lớp 9 là đủ.
“Vì sao lại là lớp 9? Vì tôi tin rằng tuổi 14, 15 đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình… Một kỹ sư vật lý liệu có cần phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn hay không? Một nhà văn có cần biết phương trình của một loạt các phản ứng hóa học?... Tôi không tin có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT…”, nam sinh phân tích.
Để tiếp tục lí giải cho sự không cần thiết của hệ thống kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực: Toán, lý, hóa, văn, sử, địa… mà học sinh phải học trong suốt 3 năm cấp 3, nam sinh này chỉ ra rằng, rất nhiều kiến thức này sau khi ra trường sẽ trở nên vô nghĩ, bị lãng quên.
Lấy luận cứ: “Giáo viên hay giáo sư cũng đi theo một vài kiến thức chuyên môn của mình”, cậu bạn thẳng thắn đặt câu hỏi: “Vậy tại sao học sinh lại phải đáp ứng bài tập, bài học của hơn một chục môn?”.
Luận điệu sắc bén, ngôn ngữ cơ thể được sử dụng triệt để, mạnh mẽ khiến bài "thuyết trình" của "Kẻ lười biếng" càng thuyết phục được số đông người. Ảnh chụp màn hình.
Không phủ nhận rằng, biết nhiều thì tốt nhưng nam sinh này cho rằng, cái quan trọng là “anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết chứ không phải là anh biết được bao nhiêu”. Đồng nghĩa với nó là kiến thức chỉ có ích khi áp dụng và học phải đi đôi với hành, có hành mới có hứng. Trong khi đó, kiến thức sách giáo khoa hiện tại lại “toàn lý thuyết, thiếu thực tiễn, nhiều chỗ mang tính chất hàn lâm”.
Tiếp đó, nam sinh này chỉ ra bệnh thành tích và hình thức của giáo dục hiện nay và nguyên do là từ điểm số, bằng cấp. Bạn trai ấy cho rằng, việc lấy điểm để đánh giá học sinh đã gây ra tình trạng trò học để đối phó với sức ép của gia đình, nhà trường chứ không phải xuất phát từ mong muốn học để lấy kiến thức. Cũng vì điểm số mà học sinh “sung sướng mỗi khi được nghỉ học” và “phát ớn” với các kì thi. Theo “diễn giả” này, lấy điểm số làm thước đo giá trị bản thân là không đáng có. Bởi lẽ, giá trị đó là hão huyền vì bị ảnh hưởng bởi cảm tính, hoặc sự gian lận. Hơn nữa, điểm số chỉ đánh giá được khả năng ghi nhớ của học sinh với hệ thống kiến thức đã có sẵn trong sách chứ không thể hiện được những khả năng khác.
Nam sinh này kêu gọi mọi người hãy gạt bỏ sự sĩ diện với các điểm số và “đừng trả tiền 10 năm để lấy được một tấm vé thông hành mà chính chúng ta phải được đào tạo để lái con tàu cuộc đời mình”. Những người đang nắm trong tay quyền hành cũng được “kẻ lười biếng” khẩn thiết mong mỏi thay đổi quan điểm và hành động ngay vì những chủ nhân tương lai đất nước.
Khép lại bài hùng biện hào sảng của mình, nam sinh lớp 12 chỉ ra một hành động thiết thực nhất mà “những người nắm trong tay quyền hành” có thể làm ngay để thay đổi thực trạng bất cập là bỏ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. “Chương trình học vô bổ như thế nào giờ thì ai cũng rõ và không ai muốn một kì thi khiên cưỡng lại quyết định số phận của mình. Một kì thi đại học là quá đủ rồi… Bỏ thi tốt nghiệp càng sớm bao nhiêu thì càng có lợi cho sức khỏe của mọi người, lợi ích về kinh... bấy nhiêu”, nam sinh hùng hồn tuyên bố.
Tất cả những luận điểm về sự thừa kiến thức, bệnh hình thức, thành tích của nền giáo dục mà “kẻ lười biếng” chỉ ra đã nhận được vô vàn sự đồng tình của cư dân mạng.
Cư dân mạng rầm rầm bàn tán về luận điểm của "kẻ lười biếng" được nêu trong clip này. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều học sinh khi xem xong clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng” cũng thấy hình ảnh của mình trong đó. Họ nhận ra những quan điểm được chia sẻ trong video này cũng là điều mình băn khoăn bấy lâu.
“Bạn nói rất đúng. Mình đã trải nghiệm được tất cả những gì bạn ấy nói nhưng việc thực hiện nó thì luôn bi hạn chế bởi những kì kiểm tra. Mình muốn hiểu mọi thứ một cách từ từ, hứng thú và đầy đủ… nhưng thầy cô dạy quá nhanh dạy cho đủ tiết, kịp chương trình… Tất cả đều dẫn đến một mục đính là để thi. Bản thân mình cũng đang chạy theo thành tích, học đối phó. Nhưng để không đối phó thì đó là một vấn đề lớn. Đến bây giờ mình vẫn chưa tìm ra lối thoát cho bản thân…”, Như Quỳnh tâm huyết chia sẻ.
Sơn Nguyễn, một du học sinh cũng đồng tình rằng việc học 16 năm với nền giáo dục Việt Nam chưa kiến bạn nhận nhận ra được cái cốt lõi của việc học. Nguyễn Minh thì cho rằng, clip chỉ ra đúng thực trạng đang diễn ra ở trường của bạn ấy và nhiều trường khác là “bệnh thành tích”. Theo Minh, căn bệnh này đã gây áp lực rất lớn cho bản thân bạn ấy, khiến Minh phải lao vào học để đối phó với các kì thi.
Sơn và Minh cùng rất nhiều cư dân khác đã tán dương clip của “kẻ lười biếng” và cho rằng nó đáng được chia sẻ rộng rãi để các thế hệ cùng suy ngẫm.
Tuy nhiện được sự ủng hộ khá hùng hậu từ cộng động mạng như “Sự băn khoăn của kẻ lười biếng” cũng vấp phải những ý kiến trái chiều.
Để “đả phá” lại luận điểm thừa kiến thức trong chương trình học cấp 3, Kim Anh Nguyễn cho rằng: “Không cần thiết, không có nghĩa là không phải học. Học để làm người hoàn thiện. Nếu ai cũng chỉ học vì đam mê của mình thì xã hội sẽ bị thiếu nhân lực trong một ngành nào đó…”.
Đồng tình với quan điểm của trên, Lê Hiệp cho rằng, vấn đề bất cập của giáo dục Việt Nam không phải là do hệ thống kiến thức quá dàn trải trong cấp 3 mà cốt lõi ở ý thức của học sinh. Nếu học sinh có đam mê và nhận thức được nó thì sẽ theo đuổi. Người không có đam mê sẽ học theo những gì giáo dục dạy. Nền giáo dục hiện nay đã giúp định hướng cho các bạn trẻ để tránh tình trạng ai thích gì thì làm nấy, không có kỉ cương, quy củ.
Dù những luồng ý kiến có đối lập nhau thế nào thì ai khi xem xong clip này cũng phải gật gù thán phục: “Bạn trai này thuyết trình thuyết phục quá”.

Xem clip:
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét