Sau hai đời chồng tệ bạc, tôi thèm được cảm giác làm mẹ


Tôi đã bình yên sau hai cuộc hôn nhân đã đi qua nhưng lại cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, thiếu niềm vui của người từng làm mẹ. Do đó điều tôi thèm khát bây giờ là muốn có một đứa trẻ do chính mình mang nặng đẻ đau.

Tôi năm nay 32 tuổi, đã trải qua hai “chuyến đò” hôn nhân, vậy mà hạnh phúc vẫn chưa mỉm cười với tôi. Xin sơ qua về từng con người đã đi qua đời tôi như sau:
Cuộc hôn nhân thứ nhất: tôi quen anh trong vòng ba tháng và đi đến hôn nhân khi tôi hai mươi tuổi. Tôi làm nông nghiệp, còn anh là một thợ may nhỏ, ăn nói rất nhẹ nhàng và biết cách lấy lòng người khác. Cưới nhau về được ít ngày anh lộ ra chân tướng là một người cộc cằn, gia trưởng, bảo thủ, đặc biệt thói khinh thường người khác dù trước mặt họ anh tỏ vẻ tôn trọng nhưng sau lưng thì….
Còn đối với vợ, anh quản lý kinh tế từ A-Z, anh nói với tôi và các anh chị em trong gia đình vì tôi còn ít tuổi, chưa biết giữ tiền nên anh giữ. Hàng ngày tôi đi chợ đều phải ngửa tay xin tiền chồng để mua thức ăn, trước khi ra chợ điệp khúc hàng ngày của tôi rất giống nhau là “anh ơi cho em xin tiền đi chợ mua thức ăn hôm nay”. Đi chợ về tôi phải hạch toán cho chồng là mua những thứ này hết bằng này tiền, thứ kia hết bằng này, tổng cộng hết bằng này…". Về thừa nghìn nào cũng phải giao lại cho chồng, lặp đi lặp lại điệp khúc “em gửi anh”.
Đó là về kinh tế, còn về mặt tinh thần và tình cảm thì: làm chậm đánh, làm trái ý đánh, bảo làm việc này việc kia chưa kịp làm lại đánh, mà mỗi lần anh đánh tôi không được phép khóc lóc, không được hỏi lý do vì sao. Vì càng hỏi càng bị đánh đau thêm và đánh nhiều hơn. Sau một vài lần biết tính chồng như thế tôi không dám hé răng nửa lời nhưng vẫn kiên trì đợi những lúc chồng lên giường vui vẻ tôi nhẹ nhàng góp ý anh về những việc đã qua. Thay vì lắng nghe hay nhận ra sự quá đáng của mình anh lại quay ra chửi tôi bằng những lời lẽ vô cùng tục tĩu và quá đáng.
Một tháng sau khi cưới tôi có thai, trong thời gian mang thai tôi vẫn thường xuyên bị anh đánh rất tàn bạo. Có những hôm tôi làm việc không được như ý của anh, thế là anh cầm cả một ca nước nóng vừa tráng bã chè hất vào mặt tôi, vậy mà tôi không dám hé răng lời nào, lại còn cuống cuồng xin lỗi. Lần khác vì lý do tôi thai nghén không ăn được gì và chỉ buồn nôn và buồn ngủ, thay vì chăm sóc và động viên tôi thì anh cầm ngay hai chiếc laket đánh bóng bàn đánh thẳng vào mặt tôi. Miệng anh chửi, tay chân anh đấm đá lên đầu tôi khiến mặt mũi tôi tím bầm, đầu thì nổi cục to như trái ổi.

Cuộc sống của tôi gắn liền với những cú đấm bất ngờ, những cái tát trời giáng, những cú đạp ngoạn mục hàng ngày vẫn cứ tiếp diễn như thế cho đến khi tôi sinh con. Sinh con được hết tháng thứ nhất tôi đã phải để con ở nhà với ông bà nội để ra phụ hàng may cùng anh từ sáng tới khuya mới về (trưa về tranh thủ cho con bú rồi lại đi). Nhiều khi cửa hàng may ít việc hoặc không có việc tôi xin anh về chăm con anh cũng không cho. Tôi xót con mà chảy nước mắt vì cháu quá nhỏ để cảm nhận sự thiệt thòi khi không được mẹ chăm sóc, cháu không được mẹ cho bú đều đặn nên sau 5 tháng tuổi cháu bỏ không bú mẹ nữa. Từ ngày có con tôi lại bị đánh nhiều hơn vì con nhỏ phát sinh nhiều thời gian, tôi không thể mang cơm cho anh đúng giờ như trước.
Lần khác tôi bị ốm, thấy mệt mỏi và khó chịu trong người quá nên xin tiền chồng để mua thuốc, anh nói để tự sẽ khỏi. Tôi ứa nước mắt vì vừa tủi vừa buồn, tôi không nói lại gì và cũng không nài thêm để xin tiền nữa.
Tôi thấy bế tắc mà không biết làm thế nào, tôi đau khổ và buồn tủi nhưng không dám kể cho gia đình tôi biết bởi tôi sợ mẹ tôi buồn, về phía nhà chồng tôi không nói với bất kỳ ai ngoài chị dâu chồng. Chị ấy khuyên tôi tuổi còn trẻ nên ra đi sớm vì chị ấy rất hiểu em trai của chồng mình. Nhiều lần chị thấy tôi bị đánh đập tàn bạo, chị đã khóc và nói thương tôi như con vì tôi bằng tuổi con út của chị, cả gia đình nhà chồng tôi ai cũng góp ý với chồng tôi nhưng dường như mọi người đều bất lực.
Cho tới một ngày đỉnh điểm của sự việc, sau trận đánh thừa sống thiếu chết của chồng, tôi đã suy nghĩ là phải tự lựa chọn giải pháp cho mình, một là sẽ ở lại thì xác định một ngày nào đó chồng mình sẽ đánh mình đến chết, hai là sẽ bế con ra đi không bao giờ quay trở lại. Tôi đã chọn giải pháp thứ hai, bế con về nhà bà ngoại, lúc này gia đình tôi mới bàng hoàng biết cuộc sống của tôi khổ cực thế nào.

Buổi chiều anh sang nhà ngoại tôi đòi đưa con về nhà, tôi không đồng ý, thế là cuộc giằng co cháu bé đã diễn ra, anh đòi bóp cổ cháu bé tới chết nếu tôi không thả cháu ra. Tôi tưởng anh chỉ nói để dọa nhưng khi thấy cháu bé bắt đầu tím tái, mọi người xung quanh quát tôi phải thả cháu ra kẻo cháu chết oan, tôi đành thả cháu ra cho bố cháu bế về.
Quá thất vọng nên tôi đã ra đi từ đó (tôi vào miền Nam làm công nhân để kiếm kế sinh nhai). Một năm sau tòa xử ly hôn vắng mặt tôi, sau đó chồng tôi cũng kết hôn luôn, còn con trai tôi vẫn ở cùng bố, cùng ông bà nội, thỉnh thoảng gia đình tôi vẫn đến thăm cháu, được cái cháu rất ngoan ngoãn và lễ phép. Ngày đầu về thăm cháu kể từ khi tôi ra đi, cảm giác thật là xúc động khó diễn tả khi mẹ chồng và chị gái chồng đã ôm chầm lấy tôi mà khóc, vì gia đình họ rất thương tôi, bố mẹ chồng nói sẽ coi tôi như con gái trong gia đình. Nhưng điều tôi cần là một người chồng yêu thương để mình có chỗ dựa và ngược lại, còn với anh em mình có sống với họ được cả đời đâu.
Trong suốt khoảng thời gian đó tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ lập gia đình khác vì tôi rất sợ, tôi mất lòng tin, tôi không dám nghĩ, tôi luôn ám ảnh bởi những trận đòn roi đã đi qua. Tôi muốn đón con về nuôi nhưng anh không đồng ý, với lại ông bà nội muốn tự tay chăm sóc cháu để tôi có cơ hội đi bước nữa. Ông bà nói tôi còn trẻ không nên lãng phí tuổi thanh xuân của mình, xã hội còn nhiều người tốt, tôi hiểu đó là những lý do để họ không đưa lại cháu cho tôi.
8 năm sau tôi đã đi bước nữa, vì gia đình khuyên và nêu ra một vài ví dụ về những người sống đơn thân tôi đã chấp nhận cuộc hôn nhân thứ hai.
Trong số những người theo đuổi tôi, tôi đã chọn anh, anh là người nghèo nhất trong số họ. Tôi chọn anh vì tôi nghĩ giàu, nghèo không quan trọng, quan trọng nhất là anh thương tôi, anh nghèo anh sẽ biết trân trọng tình cảm và biết quý trọng những gì công sức mình bỏ ra và anh cũng dễ thông cảm cho tôi hơn, tôi cũng không hề giấu anh quá khứ của mình. Còn anh mang tiếng là người Hà Nội nhưng nhưng học hành cũng chỉ hết phổ thông, gia đình đã vỡ nợ nên không nhà cửa, nhà anh phải đi thuê. Với tôi mọi thứ khó khăn nhưng không thành vấn đề, miễn là vợ chồng yêu thương nhau. Ngày cưới gần kề anh không phải lo một thứ gì kể từ cái khăn mặt, anh nói anh phải lo cho mẹ và em gái, nên mọi thứ trong gia đình từ A - Z tôi đều phải lo.
Cưới nhau về được thời gian đầu tôi đã bắt đầu cảm nhận có điều gì đó không bình thường ở chồng, tôi không hiểu sao anh là lao động phổ thông mà ngày nào anh cũng đi từ 8h sáng đến 9h tối mới về là sớm, còn muộn hơn thì 12h khuya. Ngày nào về cũng trong tình trạng say xỉn, tôi tìm hiểu thì mới biết anh đi làm nhưng được đồng nào nướng hết vào lô đề, điện tử, chứ không phải tiền anh kiếm được để lo cho mẹ và em gái như anh đã nói khi sắp cưới. Còn lý do anh uống rượu là thua lô đề uống, trúng lô đề uống…
Càng tìm hiểu tôi càng khám phá ra, hóa ra chồng tôi là một công tử bột được mẹ cưng chiều từ bé nên khi lập gia đình anh vẫn được mẹ chiều chuộng như một đứa trẻ. Anh chưa bao giờ coi mình là đã có vợ nên cũng chẳng bao giờ anh chia sẻ với tôi điều gì, với anh tôi chỉ cần phục tùng anh thế là đủ. Việc anh đi chơi điện tử triền miên mấy ngày liền là chuyện cơm bữa, chuyện thường. Có lúc anh cắm hai chiếc xe đạp một lúc chỉ để phục vụ món ảo giác điện tử của anh cho đến khi 2-3h sáng mới về trong tình trạng say ngất ngưởng rồi hò hét, đập phá.

Việc nợ nần người ta đến đòi tôi phải đứng ra trả, xe anh cắm tôi phải chuộc về. Lương công nhân của tôi thì có hạn, trong khi đó tiền ăn, tiền nhà hàng tháng tôi đều phải cáng đáng cả, nhiều khi tôi còn phải thêm xin phụ cấp từ gia đình mình. Nhưng anh đâu biết điều đó, những khi thua lô đề về nhà anh hỏi vay tiền tôi nhưng tôi không có để đưa thì anh lại đánh tôi, bóp cổ tôi. Nhưng thật lòng là tôi không còn tiền vì mỗi lần anh thua lô đề hoặc cắm xe hoặc nợ quán net, người ta vào đòi tôi, tôi lại phải lo liệu để trả họ. Đi làm cả ngày là thế tối về tôi lại nấu cơm nước rồi vò võ chờ chồng, tôi đã khuyên, đã góp ý rất nhiều nhưng anh không bao giờ để vào tai cả.
Rồi một lần anh khiến tôi tủi thân nhất là tôi mang bầu nhưng bị đau bụng dữ dội, tôi đau đớn vật vã và gọi anh cầu cứu nhưng do đang mải điện tử nên anh thờ ơ coi như không có chuyện gì. Tôi kêu gào vì đau quá thì anh quát tôi, có lẽ lúc đó anh đang bị thua nên không còn để ý đến tôi nữa. Ngày tôi bị hỏng thai, tôi nhờ anh đưa đi viện nhưng anh vẫn nằm im xem tivi và nói anh không có tiền nên em tự đi, thử hỏi có ai giống chồng tôi không?

Cuối cùng có chồng nằm nhà nhưng tôi phải nhờ người bạn của tôi đưa đi, đi viện về chồng cũng chẳng hỏi thăm tôi được một câu gì mà vẫn cứ nằm xem phim khiến tôi vừa tủi thân vừa xấu hổ với bạn vô cùng. Do bác sĩ dặn tôi về nhà nếu có gì bất thường thì phải vào viện cấp cứu gấp, tôi nói với anh nên ở nhà với tôi vài hôm để đề phòng có chuyện gì bất ổn thì anh sẽ là người đưa tôi đi viện.

Nhưng do nghiện rượu và lô đề nên tôi van xin thế nào anh cũng không ở nhà, mà bỏ đi hôm sau mới về, việc anh bỏ đi một vài ngày là chuyện bình thường. Những khi tôi khỏe mạnh thì không nói làm gì, nhưng khi tôi ốm đau như lúc này mà anh vẫn bỏ đi một vài ngày thì khó có thể chấp nhận được. Chưa kể ngày nào anh cũng 2 bữa rượu rồi 4-5h sáng mới về rồi lại ngất ngưởng, lại khà khịa với mọi người khi say.
Thời gian này cạnh phòng trọ của tôi có đôi vợ chồng trẻ, họ thấy hoàn cảnh của tôi như thế nên rất thương tôi, họ thường xuyên sang chăm sóc tôi, nấu cơm, giặt quần áo giúp tôi, xay cho tôi từ cốc nước rau ngót cho tới việc nấu giúp tôi bát cơm. Tôi cảm động rất nhiều rồi lại nghĩ ngợi vô cùng khi thấy mình thật nhục nhã: có chồng mà phải nhờ hàng xóm chăm sóc những lúc ốm đau như thế này.

Các dì, các chú của anh khuyên tôi nên chia tay sớm với anh vì họ thấy tôi quá khổ, dì và chú nói họ sẽ lo chỗ ăn, chỗ ở cho tôi để tôi yên tâm đi làm. Dì còn nói dì biết tính của cháu mình: nát rượu không biết làm ăn gì đâu, lại dính vào lô đề thì có làm đồng nào cũng nướng hết vào đó mà thôi.
Trong thời gian nằm dưỡng sức khỏe sau xảy thai tôi quyết định ly hôn, tôi nghĩ đơn giản sống với nhau không có vật chất nhưng có tình cảm còn dựa vào nhau mà sống, còn bảo nhau làm ăn, nếu nhất trí đồng lòng thì cũng sẽ vượt qua hết thôi. Nhưng tôi cảm nhận được từ chồng mình không tiền cũng không tình thì tôi còn gì để bấu víu để đi tiếp với chồng quãng đời còn lại? Thế là chúng tôi thống nhất ly hôn, chồng tôi cũng đồng ý nhưng ra điều kiện với tôi là phải cho anh ấy mấy triệu thì anh mới ký đơn. Một thời gian sau anh làm đơn và đưa tôi ký khi tôi đang dưỡng bệnh ở nhà mẹ đẻ của mình. Cho đến giờ chúng tôi đã giải thoát cho nhau mà không vướng bận về con cái.
Tôi suy nghĩ khá nhiều về hai cuộc hôn nhân của mình, tôi sợ những người đàn ông, sợ những trận đòn roi nhưng tôi lại vô cùng thèm khát tiếng trẻ thơ. Hôm vừa rồi tôi có đọc bài báo nói về 2 cụ già 90 tuổi đưa nhau đi đăng ký kết hôn, tôi đã khóc rất nhiều vì thấy cụ bà thật hạnh phúc. Tôi chỉ cần một người chồng bình thường, biết quan tâm, biết thương yêu và chia sẻ, chẳng lẽ điều tôi mong mỏi quá khó hay sao?
Quá khứ của tôi giờ đã lắng lại, tôi thấy cuộc sống của mình đã bình yên sau hai cuộc hôn nhân đã đi qua nhưng lại cảm thấy cuộc sống buồn tẻ, thiếu niềm vui của người từng làm mẹ, hai lần lên “xe hoa” mà vẫn không được bế bồng con. Do đó điều tôi thèm khát bây giờ là muốn có một đứa trẻ do chính mình mang nặng đẻ đau, mọi người khuyên tôi không nên sống ích kỷ dù có vất vả bao nhiêu đi nữa.

Thú thật tôi rất muốn xin một ai đó một đứa trẻ và sẽ làm bà mẹ đơn thân, tôi sẽ không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta, không cần người ta phải chịu trách nhiệm. Tôi biết sau này con tôi ra đời cháu sẽ thiệt thòi rất nhiều, mẹ con tôi sẽ chịu nhiều dị nghị của xã hội. Bây giờ tôi đang bối rối không biết nên sống cuộc sống thầm lặng như thế này đến cuối đời hay tìm một người đàn ông để xin người ta một đứa con.
Xin các độc giả hãy cho tôi một lời khuyên từ những kinh nghiệm, những điều các độc giả từng biết để chia sẻ cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trang
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét